Chiến tranh với Minh Quốc Hoàng_Thái_Cực

Ngay vừa khi lên ngôi, Hoàng Thái Cực đã tuyên bố sẽ chinh phạt nhà Minh để báo thù cho cha. Tuy nhiên, tham vọng của ông ta rõ ràng lớn hơn thế nhiều. Sự kiên trì mục tiêu, triệt để cải cách cả về chính trị lẫn quân sự, Hoàng Thái Cực hướng đến mục tiêu không chỉ chinh phục mà còn là cai trị cả vùng lãnh thổ trong tương lai.

Tạm thời hòa hoãn

Viên Sùng Hoán

Với thất bại trận Ninh Viễn thứ nhất, Hoàng Thái Cực nhận thấy tình hình chưa chín muồi để khởi động chiến tranh. Ông cần tranh thủ thời gian để củng cố nội bộ nên chủ động đưa ra yêu cầu hòa hoãn. Viên Sùng Hoán nhận thấy cũng cần tranh thủ thời gian xây dựng, tu sửa các công sự phòng ngự nên ông ta đã đặc phái sứ giả tới viếng tang, nhằm thám thính động tĩnh của quân Hậu Kim, thăm dò thái độ của vị Đại hãn mới.[46] Ngoài mặt hai bên đều tỏ ra hòa hoãn, nhưng thực tế lại đều khẩn trương chuẩn bị cho trận chiến tiếp theo.[47] Hoàng Thái Cực xua quân đánh Triều Tiên để giải quyết vấn đề hậu cần, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến dài hơi, lấy chiến tranh để nuôi chiến tranh. Trong khi đó Viên Sùng Hoán cũng có những bước chuẩn bị tích cực cho cuộc chiến, bằng việc ra sức tu sửa thành trì, mua sắm vũ khí, chỉnh đốn binh mã, vỗ về dân chúng.

Chiến dịch Ninh Viễn lần hai

Sau khi chinh phục Triều Tiên lần thứ nhất, Hoàng Thái Cực tiếp tục cuộc Nam chinh đánh nhà Minh đang gián đoạn của cha mình.[33][44][46] Đích thân Hoàng Thái Cực thống lĩnh đại quân, trong chiến dịch này còn có sự tham gia của hai Đại bối lặc là Đại Thiện và Mãng Cỗ Nhĩ Thái, trong hàng ngũ tướng tá có Nhạc Thác, Sa Ha Liên, Cao Hồng Trung, Bao Thừa Tiên…, ngoài ra, còn có mưu sĩ Phạm Văn Trình.

Tháng 5 năm 1627 (thực tế thì phải trễ hơn tháng 5), Hoàng Thái Cực chia quân làm ba hướng, trước tiên bao vây thành Cẩm Châu, sau đó mới tiến đánh Ninh Viễn, cánh quân thứ 3 bí mật mai phục, đón lõng quân tiếp viện từ thành Ninh Viễn lên tiếp cứu cho Cẩm Châu.[44]

Do chuẩn bị kỹ nên quân Minh đã phòng thủ một cách có hiệu quả, các thành trì vẫn vững vàng trước các đợt tấn công ào ạt của quân Kim. Thêm vào đó, hỏa lực của đại pháo Hồng Di như thường lệ vẫn phát huy được uy lực, gây tổn thất rất lớn cho quân Kim. Ngoài ra, sự phối hợp chiến đấu tốt của hai cụm cứ điểm là thành Ninh Viễn và thành Cẩm Châu càng gây khó khăn hơn cho quân Kim, Thậm chí có thời điểm các chỉ huy quân Minh còn dẫn quân trong thành đánh trả quyết liệt, gây thiệt hại cho quân Kim.

Chiến dịch này kéo dài gần 5 tháng (từ tháng 5 năm 1627 đến tháng 10 năm 1627), trước sức cố thủ ngoan cường của quân Minh, tinh thần quân Kim sa sút trước sức mạnh hỏa lực đại pháo, thời tiết không thuận lợi, Hoàng Thái Cực buộc phải hạ lệnh tạm lui quân để củng cố. Một lần nữa, quân Minh dưới sự chỉ huy của Viên Sùng Hoán tận dụng thời cơ truy kích, đánh cho quân Hậu Kim đại bại, giành chiến thắng ở Ninh Viễn, Cẩm Châu. Tài liệu Trung Quốc gọi đây là trận chiến Ninh Viễn lần hai hay chiến dịch Ninh – Cẩm. Sau đại thắng Ninh - Cẩm, tình thế ngoài quan ải đã tốt dần lên đối với quân Minh.[33]

Tuy Viên Sùng Hoán một lần nữa đại thắng quân Hậu Kim, nhưng tại triều, thái giám Ngụy Trung Hiền cùng bè đảng lo ngại uy thế đang lên của ông, đã gièm pha ông với Minh đế với tội danh cố ý khiêu khích dẫn đến chiến tranh và lúc chiến sự nguy cấp lại bỏ mặc, không đích thân dẫn quân tiếp ứng Cẩm Châu. Vì việc này, Viên Sùng Hoán bị cách chức.

Trận tập kích Bắc Kinh

Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh

Sau khi bị cách chức, Viên Sùng Hoán bỏ về quê. Mãi khi Sùng Trinh lên ngôi, trừ bỏ Ngụy Trung Hiền, triều hồi Viên Sùng Hoán và bổ nhiệm ông làm Tổng đốc Liêu Đông,[48] trấn thủ Sơn Hải quan để phòng giữ quân Hậu Kim.

Việc Viên Sùng Hoán được phục chức và tiếp tục chỉnh đốn phòng ngự ở Liêu Đông làm cho Hoàng Thái Cực không thể thực hiện được kế hoạch nam chinh của mình một cách thuận lợi. Ông biết rằng không dễ dàng vượt Sơn Hải Quan vì Ninh Viễn và Cẩm Châu phòng thủ cẩn mật, khó lòng công phá. Vì vậy ông quyết định đổi hướng tấn công, đi vòng qua Liêu Đông để tấn công vào Bắc Kinh.

Lợi dụng cơ hội hầu hết quân chủ lực của nhà Minh đang tập trung ở phía Nam, bao vây quân Lý Tự Thành tại Xa Sương Hạp,[33] ngày 27 tháng 10 năm 1629, Hoàng Thái Cực xuất quân, trực tiếp chỉ huy 10 vạn tinh binh, vòng qua phòng tuyến Liêu Đông, chia quân làm ba đường, đột phá Vạn lý Trường thành ở phía Tây Bắc, vào ba cửa Đại An (Đại An khẩu), Long Cảnh (Long Tỉnh Quan) và Hồng Sơn, vòng đến Hà Bắc, tiến vào đột kích thành Bắc Kinh.[20][33][49]

Quân Minh kháng cự yếu ớt vì bị bất ngờ trước sức cơ động quá nhanh của quân Kim. Vua Sùng Trinh vội vàng tăng cường phòng thủ, vừa hạ lệnh cho quân từ các nơi hỏa tốc về kinh thành hỗ trợ.[50] Tổng binh nhà Minh là Mãn Quế cố gắng chỉ huy chống lại bên ngoài cửa Đức Thắng Môn và An Định Môn. Pháo binh trên thành của nhà Minh liền bắn yểm trợ, nhưng họ lại bắn nhầm vào cả quân đội của mình, khiến quân Minh bị tổn thất không ít, bản thân Mãn Quế cũng bị thương, đành phải dẫn tàn quân lui trở vào thành cố thủ chờ viện binh.

Việc quân Hậu Kim bất ngờ tập kích Bắc Kinh nằm ngoài dự liệu của Viên Sùng Hoán, vì vậy, khi biết tin quân Kim vòng qua Liêu Đông, Viên Sùng Hoán vội vàng xuất binh chặn đường tiến quân của Hậu Kim. Tuy nhiên, quân Hậu Kim tiến quá nhanh, liên tục hạ các thành trì trên đường và tiến đến sát ngoại thành Bắc Kinh.[49] Ông vội vàng hạ lệnh cho 5 vạn binh mã từ thành Ninh Viễn, Cẩm Châu cấp tốc kéo về kinh sư để cứu viện. Đích thân Viên Sùng Hoán dẫn 9.000 quân thiết kỵ, hành quân suốt đêm để vượt lên trước quân Kim và vào thành Bắc Kinh trước. Vua Sùng Trinh liền hạ lệnh cho ông chỉ huy toàn bộ lực lượng của thành Bắc Kinh, hợp với quân các lộ kéo về, nhanh chóng giải tỏa áp lực của quân Kim.

Tháng 11 năm 1629, hai bên kịch chiến trước thành Bắc Kinh ở bên ngoài cửa Quảng Cừ Môn. Đích thân Viên Sùng Hoán khoác áo giáp sắt chỉ huy đôn đốc tướng sĩ các lộ tích cực chống trả quân Kim. Sau nửa ngày kịch chiến, quân Minh đã đẩy lui sự tấn công của quân Hậu Kim, bảo vệ được kinh thành Bắc Kinh. Hoàng Thái Cực một lần nữa đành bỏ dở chiến dịch, rút quân ra phía ngoài quan ải. Lần này, tuy thắng trận nhưng Viên Sùng Hoán không đuổi theo mà đóng quân ở lại để bảo vệ thành Bắc Kinh và lăng miếu của Hoàng triều.[20]

Ly gián vua tôi nhà Minh

Sau chiến thắng Ninh Viễn lần thứ nhất, Viên Sùng Hoán bị nhiều đồng liêu gièm pha vì việc đã có quan hệ tốt với nhà Kim. Viên Sùng Hoán phải dâng sớ thuật lại mục đích của mình. Tờ sớ giải trình: "Ngoài quan ải đất hẹp người đông nên phải xây dựng sửa sang lại ba thành Cẩm Châu, Trung Tả và Đại Lãng để phòng tuyến kéo dài ngoài quan ải đến 400 dặm. Nếu như thành chưa được tu sửa xong mà quân nhà Kim đã đánh thì tất phải thua. Ta đã ở vào thế đánh thì thắng thủ thì bại. Vì thế nhân nhà Kim đánh nhau với Triều Tiên, chúng ta lấy kế hòa để tiến, hoãn binh củng cố thành trì. Khi nhà Kim đến thì chúng ta đã tu sửa tốt thành trì vùng biên để vững chắc thì nhà Kim không thể làm gì được".

Minh Hy Tông đồng ý với cách lý giải của Viên Sùng Hoán, việc xì xào của triều thần cũng tạm thời lắng xuống, nhưng những nghi ngờ trong lòng họ vẫn chưa dứt hẳn. Mấy năm sau, việc nghị hòa của Viên Sùng Hoán bị khoác lên tội danh tư thông với giặc và phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Chiến dịch tấn công Bắc Kinh của Hoàng Thái Cực một lần nữa không thành công. Nguyên nhân chính là vì sự tồn tại của Viên Sùng Hoán một viên tướng tài trí và giàu lòng ái quốc. Biết là Viên Sùng Hoán và đội quân của ông ta sẽ gây trở ngại rất nhiều cho đế nghiệp của mình, Hoàng Thái Cực đã tập trung đối phó với ông, dùng đòn phản gián để triệt hạ cá nhân viên đại tướng này.

Qua mạng lưới tình báo, Hoàng Thái Cực đã nhanh chóng biết tin Triều đình nhà Minh mà đặc biệt là Sùng Trinh đang nghi ngờ Viên Sùng Hoán và cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để dùng kế ly gián chia rẽ nội bộ.

Trước hết, ông cho người phao tin có sự gặp gỡ riêng tư giữa ông và Hoàng Thái Cực, về mật ước nghị hòa tại biên giới ba năm về trước, về mật ước việc muốn bán rẻ Bắc Kinh cho nhà Hậu Kim cũng như việc Viên Sùng Hoán biết được những thông tin về cuộc hành quân của Hoàng Thái Cực.

Quả nhiên, vua tôi nhà Minh đều trúng kế. Viên Sùng Hoán bị một số triều thần vu cáo ông là kẻ dẫn Hổ nhập quan, nhằm uy hiếp triều đình, buộc triều đình phải chấp thuận chủ trương nghị hòa với Hậu Kim của ông, và qua đó đôi bên sẽ ký hiệp ước bất bình đẳng trước sự uy hiếp của quân Hậu Kim. Một số khác vu cáo việc quân Hậu Kim vây thành Bắc Kinh lần này hoàn toàn là do Viên Sùng Hoán dẫn về. Khi quân Kim rút lui, ông lại không truy kích, giữa ông và Hoàng Thái Cực thông đồng âm mưu… Bên cạnh đó, Vương Vĩnh Quang cùng đồng đảng lại liên tiếp dâng tấu biểu vu cáo Viên Sùng Hoán cố tình giết Mao Văn Long (là viên tướng trấn giữ vùng biên giới gần với Triều Tiên) để lấy lòng nhà Kim, cấu kết và tư thông với giặc, đề nghị triều đình xử tội.[49][51]

Hoàng đế Sùng Trinh là một người độc đoán lại đa nghi, sẵn có lòng nghi ngờ Viên Sùng Hoán không thực sự trung thành, cứu binh chậm trễ, vì vậy, lập tức triệu Viên Sùng Hoán vào triều đình vấn tội, trách cứ ông tại sao đưa viện binh về quá trễ, rồi hạ lệnh bắt ông vào ngục. Tháng 8 năm 1630, sau hơn nửa năm bị giam trong ngục, Viên Sùng Hoán bị xét xử vào tội "dối vua phản quốc", tội thông đồng với quân địch với lập luận là: quân địch tự ý thoái lui chứ không phải bị Viên Sùng Hóa đánh bại, Viên Sùng Hoán cũng không đuổi theo quân địch mà đóng quân ở lại kinh thành là có ý đồ. Tội danh này phải xử cực hình: Ngũ mã phân thây (5 ngựa xé xác) trước cổng kinh thành, vợ con thì bị bắt đi đày cách xa 3.000 dặm.[52]

Đau đớn nhất cho Viên Sùng Hoán là kể cả những người dân chúng kinh thành mà ông hết lòng bảo vệ, cũng cho rằng Viên Sùng Hoán cấu kết và dẫn đường cho giặc Kim vào xâm lược nên ai cũng hận ông đến tận xương tủy. Sau khi ông thọ hình trước cổng thành, nhiều người đã tranh giành thân xác ông như muốn ăn tươi nuốt sống để thỏa nỗi thù hận.[52]

Quỷ kế của Hoàng Thái Cực thành công vượt mức mong đợi. Ông vừa loại bỏ được đối thủ quân sự nguy hiểm nhất trong đời cầm quân của mình, vừa gây nên sự nghi kỵ, tâm lý chán nản và bất mãn trong quân dân nhà Minh. Quân Kim từ lúc đó ngày càng chiếm thế chủ động chiến trường. Nhà Minh đã không còn một viên tướng nào đủ tài năng và nhiệt huyết để có thể đọ sức được với Hoàng Thái Cực, đẩy lùi quân Kim. Cũng chính vì sự kiện này mà các nhà quân sự đời sau bình luận rằng nhà Minh mất nước, không mất vì giặc cướp mà mất ngay từ trong cổng ngõ, không mất ở bờ cõi mà mất ngay từ lời xàm tấu Đài quan[53]

Tung hoành vùng quan ngoại

Tuy diệt trừ được Viên Sùng Hoán, Hoàng Thái Cực vẫn nhận thấy quân Hậu Kim chưa đủ khả năng công phá Đại Minh, cũng như chưa đủ lực lượng để đánh dài ngày với lực lượng đông đảo của Minh triều. Ông quyết định trước mắt phải tiếp tục duy trì thế trận đánh tiêu hao binh lực của nhà Minh, đồng thời với việc tiếp tục phát triển lực lượng. Vì vậy, trên đường rút quân, ông tranh thủ tập kích Lư Câu Kiều, đánh tan rã một lực lượng 4 vạn quân do Mãn Quế và một số tổng binh khác chỉ huy đang đóng tại bên ngoài cửa thành Vĩnh Định Môn.

Cuối năm 1630, Hoàng Thái Cực lại chuyển quân đến Thông Châu, rồi tiến về phía đông để chiếm bốn thành Thông Hóa (Tôn Hóa), Vĩnh Bình (Thủy Bình), Thiên An, Loan Châu (đều nằm trong tỉnh Hà Bắc hiện nay), rồi giao cho Đại Bối lặc A Mẫn phòng giữ bốn thành mới chiếm này.[8] Ông dự định sẽ dùng bốn ngôi thành để làm căn cứ dưỡng quân, từ đó sẽ xuất kích luân phiên đánh giáp công Sơn Hải Quan. Tuy nhiên, sau khi ông rút quân, Đại học sĩ triều nhà Minh là Tôn Thừa Tông đã tổ chức binh lực chiếm lại bốn ngôi thành này. Đại Bối lặc A Mẫn kinh hoảng, không tổ chức cuộc chống cự mà chỉ ra lệnh rút quân. Đã thế, trước khi tháo chạy, ông ta còn ra lệnh tàn sát, cướp bóc quân dân trong thành. Việc này không chỉ làm đổ vỡ kế hoạch của Hoàng Thái Cực, mà còn gây thất nhân tâm cho công cuộc chinh phục về sau. Khi nhận được tin 4 thành đã mất, Hoàng Thái Cực hết sức giận dữ, ra lệnh tước bỏ mọi danh vị quyền lợi của A Mẫn, tống ngục vĩnh viễn.

Hoàng Thái Cực vì hậu quả hành động của Đại bối lặc A Mẫn nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu phục các thành trì nhà Minh. Điều này, buộc ông phải tăng cường các biện pháp để chiêu hàng để thu phục đối thủ, thu phục nhân tâm ở những vùng đất chiếm được. Tháng 8 năm 1631, Hoàng Thái Cực bất ngờ tập kích thành Đại Lãng Hà, thực hiện chiến thuật "vây thành diệt viện". Quân dân nhà Minh giữ thành vì "cạn hết lương thực, nên quân và dân phải ăn thịt lẫn nhau", rốt cuộc buộc phải đầu hàng. Ông cũng cho một Hán thần có tài ăn nói đến chiêu hàng cứ điểm Tây Sơn, một cứ điểm hiểm yếu mà ông nhiều lần tấn công nhưng vẫn không hạ được.[33] Năm 1633, ông cho mưu sĩ Phạm Văn Trình thuyết phục Khổng Hữu Đức và Cảnh Trọng Minh, vốn là 2 cựu tướng nhà Minh, nhân tình thế chiêu tập thuộc hạ để xây dựng thế lực cát cứ. Do lo sợ bị nhà Minh tiễu trừ, 2 tướng liền đồng ý quy thuận Hậu Kim. Về sau, Khổng Hữu Đức và Cảnh Trọng Minh đều trở thành những võ tướng có công lớn trong việc giành thiên hạ cho nhà Thanh,[33] được phong đến tước vương.[54]

Năm 1635, Hoàng Thái Cực kéo quân về Thạnh Kinh (Thẩm Dương) để dưỡng sức binh sĩ, chờ thời cơ đánh chiếm Trung Nguyên.[5] Đây cũng là giai đoạn ông thực hiện việc chỉnh đốn triều chính, lên ngôi, xưng Đế, đổi tộc hiệu, quốc hiệu, xây dựng kinh đô cho Đế chế Thanh. Chính vì vậy các hoạt động quân sự trong thời gian này tạm dừng.

Năm 1639, triều đình nhà Minh đã cử một tướng lĩnh có công trong việc trấn áp quân Lý Tự Thành là Hồng Thừa Trù, lên quan ải giữ chức vụ Tổng đốc Kế Liêu (Kế Châu và Liêu Đông). Dù không thiên về phòng ngự chủ động như Viên Sùng Hoán, Hồng Thừa Trù cũng đã thực hiện nhiều phương án để củng cố và tăng cường tuyến phòng thủ Sơn Hải quan.[33] Dù ở thế "án binh bất động", không có hoạt động quân sự nào đáng kể, quân Minh cũng đủ sức ngăn chặn sự phát triển của quân Thanh xuống phía Nam.

Nhận định nguyên nhân ba lần đột nhập vùng Quan nội thất bại đều do việc không chiếm được Sơn Hải Quan, tháng 7 năm 1641, Hoàng Thái Cực một lần nữa phái quân bao vây Cẩm Châu, quyết tâm công phá cứ điểm quan trọng này. Hồng Thừa Trừ dẫn thuộc tướng Ngô Tam Quế và 13 vạn nhân mã kéo đến tiến ra quan ải, tập kết tại Ninh Viễn, rồi từ đó tiến lên chi viện cho Cẩm Châu.

Hồng Thừa Trù vốn tính cẩn trọng. Ông ta chủ trương chiến pháp tiến chậm nhưng chắc chắn để giành thắng lợi. Tuy vậy, tân Binh bộ Thượng thư là Trần Tân Giáp đã phái giám trận, giám quân và đốc chiến, thúc Hồng Thừa Trù đẩy nhanh tốc độ hành quân. Vì vậy, kế hoạch tiến chậm và chắc của Hồng Thừa Trù bị phá sản. Nhận thấy sơ hở chết người của quân Minh, tháng 8 năm 1641, Hoàng Thái Cực dẫn đại quân từ Thẩm Dương tiến chiếm khu vực giữa Tùng Sơn và Hạnh Sơn, cắt đứt sự liên hệ của quân Minh giữa hai khu vực này, đồng thời cũng cắt đứt đường rút lui của Hồng Thừa Trù. Tiếp đó, Hoàng Thái Cực lại cho quân đi đoạt hết lương thực tại núi Tháp Sơn. Hồng Thừa Trù hoàn toàn bị động, và bị vây khốn tại Tùng Sơn, vì thế nửa năm sau, Hồng Thừa Trù đã bị Hoàng Thái Cực bắt sống.

Hoàng Thái Cực biết Hồng Thừa Trù sẽ là người có tác dụng hết sức to lớn đối với việc mình tiến vào làm chủ Trung Nguyên, vì vậy, một lần nữa ông sai mưu sĩ Phạm Văn Trình đi chiêu hàng Hồng Thừa Trù. Do sự phân tích thiệt hơn, cũng như thái độ ân cần đối đãi của Hoàng Thái Cực, Hồng Thừa Trù cuối cùng cũng chấp nhận đầu hàng.

Sự nghiệp dang dở

Chiêu lăng, khu lăng mộ của Hoàng Thái Cực. Ngày nay là Công viên Bắc Lăng, thuộc thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Sau khi Hồng Thừa Trù bị bắt, nhà Minh đã phong cho thuộc tướng của Hồng Thừa Trù là Ngô Tam Quế lên làm trấn thủ Sơn Hải quan. Tuy nhiên, lúc này ở phía Nam, lực lượng của Sấm vương Lý Tự Thành đã phát triển mạnh mẽ, đánh tan các lực lượng đánh dẹp của nhà Minh, chuẩn bị tiến về Bắc Kinh. Hoàng Thái Cực dự tính khi quân Minh bị quân Lý Tự Thành làm cho suy yếu, sẽ lợi dụng thời cơ để công phá Sơn Hải quan, tiến vào tiêu diệt chính quyền nhà Minh.

Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, Hoàng Thái Cực lâm bệnh và bất ngờ qua đời vào ngày 21 tháng 9 năm 1643 (Sùng Đức năm thứ 8),[2] hưởng dương 52 tuổi, tại vị được 17 năm (một số ý kiến cho rằng ông mất vào năm 1644, cai trị được 18 năm[3]). Hoàng Thái Cực chết trước khi kịp thấy sự nghiệp chinh phục Trung Quốc hoàn thành. Tuy nhiên, cái chết của ông không chứng tỏ sự suy yếu tham vọng của người Mãn Châu.[6] Với những thành quả chuẩn bị của Hoàng Thái Cực, những người kế tục sự nghiệp của ông đã hoàn tất sự nghiệp chinh phục nhà Minh vào năm 1646, mở ra thời đại nhà Thanh cai trị Trung Quốc trong gần 300 năm.

Trong thời gian tại vị, Hoàng Thái Cực đã đặt 2 niên hiệu Thiên Thông (天聰) từ năm 1627 đến năm 1636, khi ông ở ngôi vị Đại Hãn Kim quốc; và Sùng Đức (崇德) từ năm 1636 đến năm 1643, với tư cách là Hoàng đế Đại Thanh. Ông mất ở tuổi 52, thi hài của ông được an táng tại Chiêu lăng (昭陵).

Cũng như cha mình, Hoàng Thái Cực chết khi chưa kịp chỉ định người nối ngôi. Vì vậy, sau khi ông chết, xảy ra cuộc tranh chấp ngôi vị giữa con trai trưởng của ông là Hào Cách và người em cùng cha khác mẹ Đa Nhĩ Cổn. Cuối cùng, hai bên chấp nhận giải pháp dung hòa là tôn lập Bối lặc Phúc Lâm, người con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực, lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Thuận Trị, tức Thanh Thế Tổ. Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Thuận Trị đã phong thụy hiệu cho cha là Ứng Thiên Hưng Quốc Hoằng Đức Chương Vũ Khoan Ôn Nhân Thánh Duệ Hiếu Văn Hoàng đế (應天興國弘德彰武寬溫仁聖睿孝文皇帝).

Qua các đời Khang Hi, Ung ChínhCàn Long, thụy hiệu của ông đầy đủ là Ứng Thiên Hưng Quốc Hoằng Đức Chương Vũ Khoan Ôn Nhân Thánh Duệ Hiếu Kính Mẫn Chiêu Định Long Đạo Hiển Công Văn Hoàng đế (應天興國弘德彰武寬溫仁聖睿孝敬敏昭定隆道顯功文皇帝).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoàng_Thái_Cực http://www.britannica.com/EBchecked/topic/110832 http://news.sina.com/oth/chinesedaily/301-000-101-... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://id.loc.gov/authorities/names/n84018818 http://d-nb.info/gnd/138504326 http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00627831 http://sillok.history.go.kr/inspection/insp_king.j... http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063146462 http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%98%8E%E5%8F%B2/%...